HIỆU QUẢ CỦA PHÁC ĐỒ SOFOSBUVIR/DACLATASVIR Ở BỆNH NHÂN VIÊM GAN VI RÚT C CÓ XƠ GAN TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG

Nguyễn Quang Huy1,, Tạ Thị Diệu Ngân1,2, Phạm Ngọc Thạch2
1 Trường Đại học Y Hà Nội
2 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá kết quả điều trị của phác đồ Sofosbuvir/Daclatasvir trên bệnh nhân viêm gan vi rút C mạn tính có xơ gan.


Đối tượng và phương pháp: Trong thời gian từ tháng 7/2017 đến tháng 1/2019, 30 bệnh nhân viêm gan vi rút C mạn tính có xơ gan được đưa vào nghiên cứu. Tất cả bệnh nhân được hoàn tất điều trị trong 24 tuần với liều SOF (400mg/ngày) kết hợp với DCV (60mg/ngày) và được theo dõi tại tuần thứ 4, 12 và 24 (kết thúc điều trị).


Kết quả: Tuổi trung bình trong nghiên cứu là 51,9 ± 14 tuổi. Trong đó, 21 bệnh nhân (70%) là nam giới. Mức độ xơ hoá gan là 30% F3 và 70% F4; 93,33% thuộc Child - Pugh A và 6,67% Child - Pugh B. Sau điều trị 4 tuần và 24 tuần, tỷ lệ bình thường hóa enzyme ALT và AST lần lượt là 66,67%; 73,33%. Có 90% bệnh nhân có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (< 15UI/ml) tại tuần 4 sau điều trị. Khi kết thúc điều trị 100% bệnh nhân đều không phát hiện được vi rút trong máu. Mức độ xơ hóa gan giảm đáng kể ở tuần thứ 24 so với khi bắt đầu điều trị (12,6kPa so với 16,95kPa, p < 0,05). Có 33,33% bệnh nhân được cải thiện rõ rệt độ xơ hóa gan sau điều trị. Trong đó, 6 bệnh nhân từ F4 giảm xuống F0 - 1, F2, F3.


Kết luận: Phác đồ điều trị phối hợp Sofosbuvir/Daclatasvir cho thấy có hiệu quả cao ở các bệnh nhân viêm gan vi rút C mạn tính có xơ gan.

Chi tiết bài viết