Phản biện bản thảo

Tất cả các bản thảo gửi đến Tạp chí đều được phản biện để đạt được các tiêu chuẩn tối ưu về học thuật. Nếu được Trưởng ban thư ký chấp thuận thì các bản thảo sẽ được gửi cho chuyên gia phản biện. Danh tính của chuyên gia phản biện không được tiết lộ cho tác giả và ngược lại.

Đạo văn

Tác giả không được sử dụng các từ ngữ, số liệu hoặc ý tưởng của người khác mà không có trích dẫn. Tất cả các nguồn phải được trích dẫn tại vị trí chúng được sử dụng. Nếu trích dẫn nguyên văn thì phải để trong ngoặc kép.

Các bản thảo bị phát hiện lấy ý tưởng từ bản thảo của các tác giả khác, dù đã xuất bản hay chưa xuất bản (kể cả của chính mình – tự đạo văn) sẽ bị từ chối và các tác giả có thể phải chịu các hình thức xử phạt. Đối với các bài báo đã xuất bản rồi mới bị phát hiện đạo văn thì cần được sửa chữa hoặc phải rút lại.

Gửi bản thảo tới nhiều tạp chí và chia nhỏ nội dung

Tạp chí Truyền nhiễm Việt Nam chỉ xem xét nội dung nguyên bản, tức là bản thảo chưa từng được xuất bản trước đây, kể cả bằng ngôn ngữ không phải là tiếng Anh. Tạp chí có thể xem xét các bản thảo viết từ các luận án và các cở sở dữ liệu của tổ chức.

Bản thảo đã nộp cho Tạp chí Truyền nhiễm Việt Nam thì không được nộp ở nơi khác. Nếu muốn nộp ở nơi khác thì tác giả phải rút bản thảo khỏi Tạp chí. Các tác giả có bài báo bị phát hiện là đã được gửi đồng thời ở nơi khác có thể bị xử phạt.

Nếu các tác giả sử dụng công trình đã xuất bản trước đây của chính họ, hoặc công trình hiện đang trong quá trình phản biện cho bản thảo đã nộp thì phải trích dẫn các bài báo trước đó và cho biết bản thảo đã gửi của họ khác với công trình trước như thế nào. Việc sử dụng lại các từ của chính tác giả nằm ngoài phần Phương pháp phải được trích dẫn trong văn bản hoặc đặt trong ngoặc kép. Việc sử dụng lại các số liệu của chính tác giả hoặc một lượng từ ngữ đáng kể cần được sự cho phép của chủ thể giữ bản quyền. Các tác giả phải chịu trách nhiệm về việc xin phép này.

Tạp chí Truyền nhiễm Việt Nam sẽ xem xét các bản thảo mở rộng từ các bài báo đăng tại các hội nghị với điều kiện là tác giả phải đề cập trong thư gửi Ban biên tập. Bản thảo phải có nội dung mới quan trọng và cần trích dẫn phiên bản hội nghị, đồng thời phải có sự cho phép của chủ thể giữ bản quyền.

Việc chia nhỏ nội dung các kết quả nghiên cứu thành nhiều bài báo (còn được gọi xuất bản salami) là không được chấp nhận và yêu cầu gộp các bản thảo đã gửi và văn bản chỉnh sửa các bài báo đã xuất bản. Việc xuất bản một bài báo hai lần hoặc hai bài báo rất giống nhau có thể dẫn đến việc rút lại bài báo thứ hai và các tác giả có thể phải chịu các biện pháp xử phạt.

Trích dẫn có chủ ý

Các tác giả có bản thảo đã gửi bị phát hiện có các trích dẫn mà mục đích chính là tăng số lượng trích dẫn cho công trình của một tác giả nhất định hoặc cho các bài báo được xuất bản trên một tạp chí cụ thể, có thể bị xử phạt.

Biên tập viên và chuyên gia phản biện không được yêu cầu tác giả trích dẫn chỉ với mục đích tăng trích dẫn cho công trình của họ hoặc của cộng sự, cho tạp chí hoặc cho một tạp chí khác mà họ có liên quan.

Ngụy tạo và chỉnh sửa số liệu

Tác giả của các bản thảo gửi tới Tạp chí hoặc các bài báo đã xuất bản bị phát hiện là ngụy tạo hoặc sửa đổi số liệu, bao gồm cả việc chỉnh sửa hình ảnh, có thể bị xử phạt và các bài báo đã xuất bản có thể bị rút khỏi Tạp chí.

Quyền tác giả và lời cảm ơn

Tất cả các tác giả được liệt kê phải có đóng góp khoa học đáng kể cho nghiên cứu trong bản thảo, chấp thuận các điều kiện của công trình và đồng ý tư cách tác giả. Điều quan trọng là phải liệt kê tất cả những người có đóng góp khoa học đáng kể. Các đóng góp của tác giả có thể được mô tả ở cuối bản thảo. Các thay đổi về quyền tác giả phải được thông báo cho với tạp chí và được tất cả các tác giả đồng ý.

Xung đột lợi ích

Xung đột lợi ích (còn được gọi là ‘lợi ích cạnh tranh’) xảy ra khi các vấn đề không liên quan đến nghiên cứu có thể xuất hiện làm ảnh hưởng đến tính trung lập hoặc khách quan của công trình hoặc quá trình phản biện. Cần phải công bố các xung đột lợi ích tiềm ẩn — cho dù chúng thực sự có ảnh hưởng hay không — để

có được các quyết định sáng suốt. Trong hầu hết các trường hợp, tuyên bố này sẽ không ảnh hưởng tới việc xuất bản cũng như không cản trở một chuyên gia tham gia vào quá trình phản biện.

Nếu không chắc chắn thì bên liên quan nên tuyên bố khả năng xung đột hoặc thảo luận với tòa soạn. Các tác giả không tuyên bố xung đột lợi ích có thể bị phạt. Các bản thảo có xung đột mà không được khai báo và sau này nếu bị phát hiện thì có thể bị từ chối. Các bài báo đã xuất bản có thể cần được đánh giá lại, phải xuất bản một bản đính chính hoặc trong những trường hợp nghiêm trọng phải rút khỏi Tạp chí.

Xung đột lợi ích có thể bao gồm những vấn đề sau:

  • Tài chính — tài trợ và các khoản thanh toán khác, hàng hóa và dịch vụ mà các tác giả nhận được hoặc mong đợi liên quan đến nội dung của công trình hoặc từ một tổ chức quan tâm đến kết quả của công trình
  • Các cơ quan/tổ chức — nơi các tác giả đang làm việc, trong ban cố vấn hoặc một thành viên của một tổ chức quan tâm đến kết quả của công trình
  • Sở hữu trí tuệ — bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu thuộc sở hữu của ai đó hoặc tổ chức của họ
  • Cá nhân — bạn bè, gia đình, các mối quan hệ và các mối quan hệ cá nhân thân thiết khác
  • Hệ tư tưởng — tín ngưỡng hoặc chủ nghĩa, ví dụ, chính trị hoặc tôn giáo, liên quan đến công việc
  • Học thuật — đối thủ cạnh tranh hoặc một người có công trình có vấn đề.

Tác giả

Tác giả phải công bố tất cả các xung đột lợi ích tiềm ẩn trong phần ‘Xung đột lợi ích’, phần này sẽ giải thích tại sao có thể có xung đột lợi ích. Nếu không có xung đột, các tác giả cũng nên tuyên bố "(Các) tác giả tuyên bố rằng không có xung đột lợi ích nào liên quan đến việc xuất bản bài báo này." Các tác giả liên hệ có trách nhiệm thay mặt cho các đồng tác giả đưa ra lời tuyên bố này.

Tác giả phải khai báo nguồn tài chính hiện tại hoặc gần đây (bao gồm cả phí xử lý bài báo) và các khoản thanh toán, hàng hóa hoặc dịch vụ khác có thể ảnh hưởng đến công trình. Tất cả các khoản tài trợ, cho dù có xung đột hay không, đều phải được tuyên bố trong phần ‘Lời cảm ơn’ hoặc dưới tiêu đề ‘Thông tin tài trợ’.

Cần tuyên bố sự tham gia của bất kỳ ai khác, ngoài các tác giả, 1) quan tâm đến kết quả của công trình; 2) làm việc cho một tổ chức có lợi ích như vậy; hoặc 3) được thuê hoặc trả bởi một nhà tài trợ, trong quá trình vận hành, lên ý tưởng, lập kế hoạch, thiết kế, tiến hành hoặc phân tích công trình, việc viết hoặc biên tập bản thảo, hoặc việc quyết định xuất bản.

Các xung đột lợi ích đã công bố sẽ được người biên tập và chuyên gia phản biện xem xét và đưa vào bài báo đã xuất bản.

Biên tập viên và chuyên gia phản biện

Biên tập viên và chuyên gia phản biện nên từ chối tham gia vào việc xử lý một bản thảo khi họ

  • Có bài báo gần đây hoặc bài gửi hiện tại với bất kỳ tác giả nào
  • Có cùng cơ quan làm việc hiện tại hoặc gần đây với bất kỳ tác giả nào
  • Cộng tác hoặc gần đây đã cộng tác với bất kỳ tác giả nào
  • Có mối liên hệ cá nhân chặt chẽ với bất kỳ tác giả nào
  • Có mối quan tâm tài chính đối với nội dung của công trình
  • Cảm thấy không thể khách quan

Chuyên gia phản biện phải khai báo mọi xung đột lợi ích còn lại trong phần ‘Riêng tư’ của biểu mẫu đánh giá, phần này sẽ được người biên tập xem xét.

Biên tập viên và chuyên gia phản biện phải khai báo nếu trước đó họ đã thảo luận về bản thảo với các tác giả.

Xử phạt

Nếu Tạp chí Truyền nhiễm Việt Nam  biết được hành vi vi phạm chính sách đạo đức xuất bản của Tạp chí thì Tạp chí có thể xử phạt theo các hình thức sau đây:

  • Từ chối bản thảo hiện thời và bất kỳ bản thảo nào khác do (các) tác giả gửi tới.
  • Không cho phép nộp bản thảo trong vòng 1–3 năm.
  • Không mời làm biên tập viên hoặc tham gia phản biện.

Tạp chí Truyền nhiễm Việt Nam có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung nếu xuất hiện vi phạm đạo đức nghiêm trọng.

Điều tra

Những vi phạm đáng ngờ đối với chính sách đạo đức xuất bản của Tạp chí, trước và sau khi xuất bản, cũng như những lo ngại về đạo đức nghiên cứu, cần được báo cáo cho Ban biên tập của Tạp chí. Người báo cáo (khiếu nại) sẽ được giữ ẩn danh nếu được yêu cầu.

Tạp chí Truyền nhiễm Việt Nam có thể yêu cầu tác giả cung cấp dữ liệu và hình ảnh cơ bản, tham khảo ý kiến của các biên tập viên và liên hệ với các tổ chức hoặc nhà tuyển dụng để yêu cầu điều tra hoặc nêu ra quan ngại của họ.

Sửa chữa và rút bài

Khi phát hiện các lỗi trong các bài báo đã xuất bản, Tạp chí sẽ cân nhắc cách thức sửa chữa và có thể tham khảo ý kiến của các biên tập viên và cơ quan làm việc của tác giả. Nếu các sai sót là của tác giả thì tác giả có thể được sửa chữa bằng một bản chỉnh sửa và những sai sót của nhà xuất bản thì nhà xuất bản công bố một bản đính chính.

Nếu có sai sót ảnh hưởng đáng kể đến kết luận hoặc có bằng chứng về hành vi sai trái, thì Tạp chí có thể yêu cầu rút bài báo khỏi tạp chí.

Tất cả các tác giả sẽ được yêu cầu đồng ý với nội dung của thông báo.