XÁC ĐỊNH ĐỘT BIẾN KHÁNG THUỐC CỦA HBV Ở BỆNH NHÂN VIÊM GAN B MẠN TÍNH ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG (1/2014 - 12/2017)

Trịnh Thị Hằng1,, Nguyễn Vũ Trung2,3, Lê Văn Duyệt3
1 Đại học Y - Dược Hải Phòng
2 Đại học Y Hà Nội
3 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Xác định đột biến kháng thuốc của HBV và mối liên quan với các phác đồ điều trị ở bệnh nhân viêm gan B mạn tính.


Đối tượng và phương pháp: Những bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính, đang điều trị bằng các thuốc kháng virus tương tự nucleotide(s) (NUCs), đến khám và làm xét nghiệm đột biến kháng thuốc của Hepatitis B vi rút (HBV) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 12 năm 2017. Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang, hồi cứu.


Kết quả: Trong 70 bệnh nhân làm xét nghiệm gen đột biến kháng thuốc của HBV, có 17 bệnh nhân mang đột biến kháng thuốc, chiếm 24,3%. Tình trạng đột biến xuất hiện ở cả hai dạng kháng đơn thuốc và kháng đa thuốc. Trong đó, tỷ lệ kháng đa thuốc và tỷ lệ kháng đơn thuốc lần lượt là 70,6% và 29,4%. Khi đánh giá đột biến kháng từng thuốc NUCs nói riêng, số bệnh nhân nhiễm các chủng HBV có đột biến kháng LAM, ETV, LdT, ADV, FTC tương ứng là 14/17, 11/17, 9/17, 8/17, 3/17 ca bệnh. Không có bệnh nhân nào nhiễm chủng HBV có đột biến kháng TDF. Kết quả nghiên cứu có 12/17 bệnh nhân nhiễm các chủng HBV có đột biến kháng đa thuốc NUCs. Trong đó, 11/12 bệnh nhân nhiễm các chủng HBV có đột biến kháng ETV, không có bệnh nhân nào nhiễm các chủng HBV có đột biến kháng TDF. Với tình trạng kháng đơn thuốc của HBV, chỉ có hai thuốc bị kháng là ADV và LAM. Trong 24 đối tượng thu thập được số liệu bệnh án, có 15 bệnh nhân điều trị theo phác đồ TDF (1 viên/ngày) (62,5%), 7 bệnh nhân điều trị theo phác đồ ETV (1 viên/ngày) (29,2%), số bệnh nhân điều trị theo phác đồ ETV (2 viên/ngày) và LAM (1 viên/ngày) đều là 1 (4,2%). Sự khác biệt giữa tỷ lệ đột biến và tỷ lệ không có đột biến kháng thuốc của HBV ở các phác đồ điều trị khác nhau có ý nghĩa thống kê với p = 0,01. Tỷ lệ đột biến kháng thuốc của HBV ở phác đồ điều trị TDF (1 viên/ngày) thấp hơn không nhiều (0,026 lần) so với phác đồ điều trị ETV (1 viên/ngày) với p = 0,01, CI 95%.


Kết luận: thực trạng bệnh nhân nhiễm các chủng HBV có đột biến kháng đa thuốc chiếm đa số. Chưa có bệnh nhân nào nhiễm chủng HBV có đột biến kháng TDF. Thuốc điều trị viêm gan B mạn tính đang được ưu tiên sử dụng hiện nay là TDF, sau đó đến ETV. Sự khác biệt giữa tỷ lệ đột biến và tỷ lệ không có đột biến kháng thuốc của HBV ở các phác đồ điều trị khác nhau có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ đột biến kháng thuốc của HBV ở phác đồ điều trị TDF (1 viên/ngày) thấp hơn không nhiều (0,026 lần) so với phác đồ điều trị ETV (1 viên/ngày).

Chi tiết bài viết