ĐẶC ĐIỂM DỊCH TẾ, LÂM SÀNG, TỔN THƯƠNG TRÊN XQ VÀ CT NGỰC Ở BỆNH NHÂN COVID-19 TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI TRUNG ƯƠNG (26/1/2020 – 26/4/2020)

Vũ Minh Điền1,, Nguyễn Tuấn Anh1, Phạm Ngọc Thạch1
1 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục tiêu: Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và tổn thương trên phim XQ và CT scanner (CT) ngực ở bệnh nhân COVID-19. Phương pháp: mô tả tiến cứu 145 bệnh nhân COVID-19, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từ 26/01/2020 - 26/4/2020. Kết quả: Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam (nam/nữ = 2/3), ở mọi lứa tuổi, trung bình 38,57 ± 15,42 tuổi; 55,9% bệnh nhân từ nước ngoài về Việt Nam. Biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu: ho (54,5%), đau họng (26,9%), sốt (22,1%). Các triệu chứng ít gặp hơn là đau mỏi người (13,1%), tức ngực (8,3%), khó thở (6,2%), đau đầu (7,2%), tiêu chảy (2,8%), sổ mũi (2,1%) và mất khứu giác (1,4%). 46,2% bệnh nhân được phát hiện bất thường trên phim XQ ngực, biểu hiện: kính mờ (36,6%), nốt mờ (17,9%), dày mô kẽ (27,6%), dày thành phế quản (17,2%). 69,7% bệnh nhân có tổn thương trên phim CT ngực: kính mờ (66,2%), nốt mờ (41,4%), dày mô kẽ (10,3), sưng hạch (9,6%) và tràn dịch màng phổi (6,1%); đa số tổn thương ở vùng ngoại vi, thùy dưới (62,1%) và ở 2 bên phổi (46,2%).


Kết luận: Bệnh nhân trong nghiên cứu gặp ở các lứa tuổi, nữ nhiều hơn nam, phần lớn bệnh nhân từ nước ngoài về. Đa số bệnh nhân không sốt, không khó thở, có thể gặp ho khan và, hoặc đau họng. Phim XQ và CT ngực có giá trị chẩn đoán mức độ tổn thương phổi và theo dõi tiến triển bệnh. Phim CT ngực có khả năng phát hiện tổn thương cao hơn và sớm hơn phim XQ ngực, các tổn thương hay gặp là kính mờ, nốt mờ và dày mô kẽ ở vùng ngoại vi, thùy dưới của 2 phổi.

Chi tiết bài viết