ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SAU 6 THÁNG ĐIỀU TRỊ TENOFOVIR ALAFENAMIDE (TAF) Ở BỆNH NHÂN VIÊM GAN VI RÚT B MẠN

Lê Thị Hằng1, Tạ Thị Diệu Ngân2
1 Bệnh viện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2 Trường Đại học Y Hà Nội

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Tenofovir alafenamide (TAF) tiền chất của Tenofovir disoproxil fumarate (TDF), có hiệu quả ức chế sự sao chép vi rút viêm gan B cao tương tự TDF, đồng thời ít gây ra tác dụng không mong muốn trên thận và xương.


Mục tiêu: Đánh giá hiệu quả của TAF trên bệnh nhân viêm gan vi rút B mạn tính sau 6 tháng điều trị.


Đối tượng và phương pháp: Bệnh nhân trên 18 tuổi được chẩn đoán xác định viêm gan vi rút B mạn theo tiêu chuẩn của AASLD 2009, được điều trị 1 viên TAF hàng ngày, xét nghiệm định kỳ tại thời điểm 3 tháng và 6 tháng sau điều trị.


Kết quả: Trong số 49 bệnh nhân, có 29 bệnh nhân (59,2%) được phát hiện bệnh lần đầu; 87,8% có enzyme ALT (ALT) trên 80U/L; 83,7% có HBV - DNA trên 6 log copies/ml. Tỉ lệ bình thường hoá enzyme gan sau 6 tháng điều trị là 69,4%; tỷ lệ này khác nhau tuỳ thuộc mức ALT khi bắt đầu điều trị, lần lượt là 100%; 66,7% và 33,3% tương ứng với ALT ban đầu là > 200U/L, từ 80 - 200U/L và ≤ 80U/L. Không có sự khác biệt về tỉ lệ bình thường hoá enzyme gan sau 6 tháng điều trị giữa nhóm HBeAg(-) và HBeAg(+), có 11,1% bệnh nhân trong nhóm HBeAg(+) đạt được chuyển đảo huyết thanh. Sau 6 tháng, tỷ lệ bệnh nhân có HBV - DNA huyết tương dưới ngưỡng phát hiện là 55,3%. Ở nhóm HBeAg(-) có 77,3% và ở nhóm HBeAg(+) có 37% có HBV - DNA về dưới ngưỡng phát hiện, khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Kết luận: TAF là một thuốc kháng vi rút viêm gan B có hiệu quả. Sau 6 tháng điều trị bằng TAF, đáp ứng vi rút ở nhóm bệnh nhân HBeAg(-) tốt hơn rõ rệt so với nhóm HBeAg(+).

Chi tiết bài viết