GIANG MAI THẦN KINH, GIANG MAI MẮT VÀ VIÊM GAN GIANG MAI Ở BỆNH NHÂN NHIỄM HIV ĐIỀU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Mục tiêu: Báo cáo các trường hợp giang mai thần kinh, giang mai mắt và viêm gan do giang mai ở bệnh nhân nhiễm HIV nhằm giúp các bác sĩ cảnh giác hơn đối với các thể bệnh này trong thực hành lâm sàng.
Đối tượng và phương pháp: 14 bệnh nhân điều trị tại khoa nhiễm E, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, được chẩn đoán nhiễm HIV kèm xét nghiệm chẩn đoán giang mai dương tính trong máu Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca được tiến hành tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Kết quả: Có 14 trường hợp nhiễm HIV được nhận vào nghiên cứu, 14/14 là đồng giới nam (2/14 bệnh nhân có quan hệ tình dục với nam lẫn nữ) với tuổi trung vị là 31. Trong số này, 10/14 trường hợp ở giai đoạn AIDS. Chỉ có 1 trường hợp có tiền sử từng điều trị giang mai trước đây. Về chẩn đoán giang mai: có 4 trường hợp giang mai thần kinh, 1 trường hợp giang mai mắt, 5 trường hợp viêm gan do giang mai, 2 trường hợp mắc đồng thời giang mai thần kinh và giang mai mắt, 2 trường hợp giang mai thần kinh và viêm gan do giang mai.Tất cả 7 trường hợp viêm gan giang mai đều có enzyme AST và ALT tăng mức độ vừa với trung vị AST là 152 U/L, trung vị ALT là 85 U/L; trong khi GGT và ALP đều tăng cao, với trung vị GGT là 690 U/L, trung vị ALP là 607 U/L.Vàng da trên lâm sàng (bilirubin toàn phần ≥ 50 µmol/l) hiện diện ở 4/7 trường hợp viêm gan do giang mai và không có trường hợp nào suy tế bào gan. Biến đổi địch não tủy ở 8 trường hợp giang mai thần kinh: tất cả đều có đạm tăng > 0,4 g/L, cả 8 trường hợp đều có TPHA dịch não tủy dương tính nhưng RPR dịch não tủy chỉ dương tính ở 3/8 trường hợp. Sau điều trị kháng sinh Penicillin truyền tĩnh mạch, 6/7 trường hợp viêm gan giang mai đều cải thiện về men gan và bilirubin (ngoại trừ 1 trường hợp bỏ viện). Ngoại trừ 1 trường hợp tử vong ở bệnh nhân mắc đồng thời giang mai thần kinh và lao màng não và 1 trường hợp bỏ viện, 12 trường hợp còn lại đều hồi phục tốt sau điều trị.
Kết luận: Đối với các trường hợp nhiễm HIV có biểu hiện vàng da và/hoặc men gan tăng cao kiểu ứ mật (tăng GGT và ALP) thì giang mai là tác nhân cần được nghĩ đến trong các chẩn đoán phân biệt. Các bệnh nhân nhiễm HIV có nghi ngờ giang mai thần kinh cần được chọc dò tủy sống để thực hiện xét nghiệm VDRL (hoặc RPR) và TPHA trong dịch não tủy nhằm xác định chẩn đoán. Penicillin G truyền tĩnh mạch hiện tại vẫn là kháng sinh hiệu quả trong điều trị giang mai thần kinh, giang mai mắt và viêm gan do giang mai.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Giang mai thần kinh, giang mai mắt, viêm gan giang mai, HIV