TÌNH HÌNH ĐỀ KHÁNG THUỐC KHÁNG NẤM CỦA CÁC LOÀI CANDIDA SPP. GÂY NHIỄM KHUẨN HUYẾT VÀ NHIỄM KHUẨN TIẾT NIỆU

Trương Thiên Phú1,, Nguyễn Ngọc Trương1, Nguyễn Thị Nam Phương1, Nguyễn Ngọc Minh Tâm1, Nguyễn Thị Phương Linh 1, Phạm Thị Phương Mai 1, Ngô Hữu Tài1, Phạm Huy Búp1, Hồng Thanh Tuấn 1, Đặng Thị Thanh Thảo 1, Ngô Minh Khoa 1, Võ Phước Vũ 1, Trần Thị Xuân Yến 1, Lê Thanh Chương 2
1 Khoa Vi sinh, Bệnh viện Chợ Rẫy.
2 Phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Chợ Rẫy

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Mục đích: khảo sát sự phân bố của các loài nấm gây nhiễm khuẩn huyết, tiết niệu và tính kháng thuốc kháng nấm của chúng tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong năm 2018.


Vật liệu và Phương pháp: nghiên cứu hồi cứu. Tất cả các mẫu bệnh phẩm máu và nước tiểu cấy vi nấm gây bệnh dương tính trong năm 2018 tại khoa Vi Sinh bệnh viện Chợ Rẫy. Định danh vi nấm và thực hiện kháng nấm đồ bằng card YST và card AST YS07 trên hệ thống máy Vitek 2 Compact theo tiêu chuẩn CLSI.


Kết quả: có 89 bệnh nhân cho kết quả cấy máu dương tính với nấm. Ba tác nhân hàng đầu gây nhiễm nấm máu lần lượt là C. tropicalis (31; 34,8%), C. albicans (20; 22,5%), C. glabrata (18; 20,2%). Tỉ lệ đề kháng của Candida spp. trong nhiễm nấm máu đối với Fluconazone là cao nhất (8; 9,9%), kế đến là Amphotericin B (7; 8,6%), Voriconazole (7; 8,6%), Flucytocine (1; 1,2%). Không thấy đề kháng với Caspofungin và Micafungin. Có 116 bệnh nhân cho kết quả cấy nước tiểu dương tính với nấm. Ba tác nhân hàng đầu gây nhiễm nấm nước tiểu lần lượt là C. tropicalis (43; 37,1%), C. albicans (41; 35,3%), C. glabrata (20; 17,2%). Tỉ lệ đề kháng của Candida spp. trong nhiễm nấm tiết niệu đối với Amphotericin B là cao nhất (8; 7,3%), kế đến là Fluconazole (5; 4,6%), Voriconazole (5; 4,6%), Caspofungin (3; 2,7%). Không thấy đề kháng với Flucytosine và Micafungin.


Kết luận: Ba loại vi nấm thường gặp nhất trong nhiễm nấm máu và nước tiểu lần lượt là C. tropicalis, C. albicans C. glabrata. Tỉ lệ đề kháng với thuốc kháng nấm của các chủng Candida spp. là dưới 10%. Trong nghiên cứu này, sự đề kháng của Candida spp. với thuốc kháng nấm là tương đối thấp, tuy nhiên cần theo dõi liên tục khuynh hướng kháng thuốc của các chủng nấm nhằm sớm phát hiện những thay đổi của tỷ lệ kháng thuốc để có hướng xử lý đúng đắn và kịp thời.

Chi tiết bài viết