BỆNH VIÊM GAN VI RÚT E

Phạm Văn Đức1,, Trần Xuân Chương1
1 Trường Đại học Y - Dược Huế

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Vi rút viêm gan E (HEV) là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm gan virus cấp nhưng ít được chẩn đoán. HEV có kích thước nhỏ, không có vỏ ngoài, sợi đơn RNA thuộc chi Hepevirus, họ Hepeviridae và có bốn kiểu gen có thể gây nhiễm trùng cho người. Dịch tễ: nhiễm HEV phân bố trên toàn cầu, với tỉ lệ kiểu gen lưu hành khác nhau giữa các khu vực địa lý, tỉ lệ lưu hành HEV ở các nước đang phát triển (kiểu gen 1,2) cao hơn các nước phát triển (kiểu gen 3,4). HEV có thể lây qua đường tiêu hóa, hiếm hơn là qua đường máu và lây truyền từ mẹ sang con.


Biểu hiện lâm sàng: phần lớn viêm gan E cấp có biểu hiện nhẹ và tự giới hạn ở người có miễn dịch bình thường. Tuy nhiên, những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt (phụ nữ có thai, có bệnh gan từ trước, suy giảm miễn dịch) có thể bị các biến chứng như suy gan cấp, viêm gan ứ mật hoặc viêm gan E mạn.


Chẩn đoán: chẩn đoán nhiễm HEV cấp thường dựa vào sự phát hiện kháng thể anti - HEV IgM trong huyết thanh và sự gia tăng hiệu giá kháng thể anti - HEV IgG (tăng hơn 5 lần sau hơn hai tuần) hoặc phát hiện HEV - RNA trong huyết thanh hoặc trong phân. Nhiễm HEV mạn là sự phát hiện HEV - RNA trong huyết thanh hoặc phân trong thời gian trên 6 tháng.


Điều trị: điều trị nhiễm HEV cấp chủ yếu là điều trị hỗ trợ. Điều trị viêm gan E mạn bao gồm giảm liều liệu pháp ức chế miễn dịch và/hoặc điều trị bằng thuốc kháng virus.


Dự phòng: sử dụng nước sạch, tránh ăn thịt động vật chưa được nấu chín. Vắc xin phòng HEV đã được phát triển và cấp phép ở Trung Quốc, đã cho thấy hiệu quả cao trong việc dự phòng nhiễm HEV.

Chi tiết bài viết